Luồng gió mới cho học sinh khi học tiếng Việt
(Dân trí)-Từ việc nhút nhát và khó tiếp cận với tiếng Việt, giờ đây nhiều học sinh dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi vượt bậc. Sở dĩ có được điều này là do Bộ GD-ĐT đã cho phép một số địa phương dạy thí điểm môn tiếng Việt theo tài liệu công nghệ giáo dục.
Mới đây, chúng tôi có dịp chứng kiến một tiết ôn tập tiếng Việt cho học sinh (HS) để chuẩn bị bước vào năm học mới tại Trường tiểu học Lê Quý Đôn (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) và Trường tiểu học Trịnh Tường số 1 (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).
Nếu như trước kia, việc học tiếng Việt ở những nơi đây gặp nhiều khó khăn bởi tỷ lệ HS là người dân tộc chiếm một tỷ lệ khá cao thì ngày hôm nay mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn. Sự thay đổi này xuất phát từ việc nhà trường được chọn dạy thí điểm môn tiếng Việt công nghệ lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại.
Năm học 2012 - 2013, thông qua các văn bản chỉ đạo và hội nghị nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt cho HS dân tộc, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh dạy học tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số. Việc thực hiện dạy tiếng Việt theo tài liệu công nghệ giáo dục cho 19 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Kon Tum, Bình Phước, Ninh Thuận, Tây Ninh, Kiên Giang, Cà Mau, Lạng Sơn, Hòa Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Hải Dương và Nam Định.
Bản chất của Công nghệ giáo dục là tổ chức và kiểm soát quá trình dạy học bằng một quy trình kỹ thuật được xử lý bằng giải pháp nghiệp vụ hay nghiệp vụ sư phạm để HS lớp 1 chiếm lĩnh được ngữ âm ngay từ đầu, biết cách phân tích ngữ âm, đọc thông viết thạo, nắm chắc các quy tắc chính tả, không tái mù chữ…
Với cách học tiếng Việt hoàn toàn mới đã tạo ra sự chuyển biến tích cực đối với cả HS và giáo viên (GV). Không chỉ đọc thông, viết thạo, các em HS còn tự tin trả bài cũng như giao tiếp với thầy cô và bạn bè. Có chứng kiến cảnh các em HS người dân tộc tự tin đọc bài một cách lưu loát, chúng tôi mới thấy tính ưu việt các dạy tiếng Việt theo công nghệ mới.
Một tiết học tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Trịnh Tường số 1 (huyện Bát Xát, Lào Cai).
“Cơ hội chỉ mỉm cười khi trí tuệ đã được chuẩn bị sẵn sàng”
Cô Nguyễn Thanh Huyền - GV Trường tiểu học Trịnh Tường số 1 (Bát Xát, Lào Cai) chia sẻ: “Chương trình này có rất nhiều ưu điểm. Trước hết là GV không phải soạn bài nên có nhiều thời gian để quan tâm đến HS hơn, nghiên cứu tài liệu, hiểu tâm sinh lý lứa tuổi, cách thực hiện lên lớp đối với HS. Về phía HS thì các em rất hứng thú với chương trình công nghệ, HS nghe hiểu được hiệu lệnh của GV, hiểu được lời nói của GV. Nhiều em trả lời được rành mạch, nói đủ câu rõ ràng”.
Đồng quan điểm này cô Trương Thị Thúy Diễm - GV Trường tiểu học Lê Quý Đôn (huyện Đăk Tô, Kon Tum) cho biết thêm, học theo công nghệ mới này HS nắm chắc được về ngữ âm, về luật chính tả, đọc tốt, viết tốt. Bên cạnh đó, HS có khả năng giao tiếp mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập và thực hành nhanh hơn.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc học tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục không chỉ giúp HS nắm chắc tri thức cơ bản về tiếng Việt và hình thành đồng thời các kĩ năng nghe - nói - đọc - viết một cách vững chắc mà HS luôn được tham gia các hoạt động học tập một cách chủ động, tự tin; thông qua việc làm, các thao tác học, các em tự tìm ra và chiếm lĩnh tri thức, được phát huy khả năng tư duy và năng lực tối ưu của mình. Đồng thời quá trình dạy học theo phương pháp Công nghệ giáo dục không chỉ giúp GV nâng cao trình độ và năng lực nghiệp vụ sư phạm mà cách tổ chức dạy học theo quy trình công nghệ giúp GV đổi mới phương pháp một cách triệt để.
Với những ưu điểm đã đạt được, năm học 2013 - 2014, Công nghệ giáo dục sẽ được thí điểm triển khai ở lớp 2 với các môn Toán 1, Văn 2, Giáo dục lối sống 1, Tiếng Việt 2. Có 6 tỉnh thành với 10 trường sẽ tham gia hoạt động này, gồm Hải Dương, Lào Cai, Lạng Sơn, Nam Định, Tây Ninh và Hà Nội.